Đối với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, việc tham gia vào các trò chơi vận động là quan trọng không chỉ về mặt thể chất mà còn về mặt tinh thần. Dưới đây là một bộ sưu tập những trò chơi vận động dành cho bé thú vị và giáo dục mà Đồ Chơi Đại Việt đã tổng hợp. Chắc chắn sẽ làm cho thời gian học tập và vui chơi của bé trở nên hấp dẫn và ý nghĩa hơn bao giờ hết!
Trò chơi vận động trong nhà dành cho bé
1. Trời nắng, trời mưa
Luật chơi: Mỗi bé phải tìm một nơi trú mưa để trốn khi có hiệu lệnh “trời mưa”. Ai không tìm được nơi trú sẽ phải ra ngoài một lần chơi.
Cách chơi:
- Chuẩn bị những vòng tròn trên sân, mỗi vòng cách nhau 30 – 40cm để làm nơi trú mưa. Số vòng ít hơn số trẻ tham gia chơi từ 3 – 4 vòng.
- Trẻ đóng vai học trò đi học, vừa đi vừa hát theo nhịp phách hay nhịp nhạc. Khi nghe hiệu lệnh: “Trời mưa” thì tự mỗi bé phải tìm một nơi trú mưa để nấp (có nghĩa là chạy vào vòng tròn). Trẻ nào chạy chậm không tìm được nơi để nấp thì sẽ bị ướt và phải ra ngoài một lần chơi.
- Trò chơi tiếp tục, khi có lệnh “trời nắng” thì các bé đi ra xa vòng tròn. Hiệu lệnh “trời mưa” lại được hô lên thì trẻ phải tìm nơi trú mưa.
2. Cáo và thỏ
Luật chơi: Các chú thỏ phải nấp vào đúng hang của mình. Bé thỏ nào bị cáo bắt hay vào nhầm hang thì phải ra ngoài một lần chơi.
Cách chơi: Chọn một bé làm cáo ngồi ở một góc, những bé còn lại làm thỏ và chuồng thỏ, cứ một trẻ làm thỏ thì hai trẻ làm chuồng. Hai trẻ làm chuồng nắm tay xếp thành vòng tròn. Sau đó, quản trò hãy yêu cầu các con thỏ phải nhớ đúng chuồng của mình. Các con thỏ đi kiếm ăn phải vừa nhảy vừa dùng 2 bàn tay để giả tai thỏ và đọc bài thơ:
”Trên bãi cỏ
Các chú thỏ
Tìm rau ăn
Rất vui vẻ
Thỏ nhớ nhé !
Có cáo gian
Đang rình đấy
Thỏ nhớ nhé !
Chạy cho nhanh
Kẻo cáo gian
Tha đi mất.”
Khi bài thơ kết thúc thì cáo xuất hiện, cáo ra bắt đầu đuổi bắt thỏ. Khi thấy cáo, các con thỏ chạy nhanh về chuồng của mình. Những con thỏ nào bị cáo bắt hay vào nhầm hang phải ra ngoài 1 lần chơi, sau đó các bé đổi vai cho nhau.
3. Vượt chướng ngại vật
Chuẩn bị: Hầm chui hoặc thùng giấy, Phấn vẽ, Dây đeo vòng: vòng bằng nhựa hay bìa cứng, Chai nhựa.
Cách chơi:
- Chia trẻ thành các nhóm, mỗi nhóm tối đa là 5 trẻ.
- Cho trẻ xếp thành hàng dọc sau vạch xuất phát. Sau khi nghe hiệu lệnh, trẻ sẽ chạy lên bật (chụm 2 chân) qua “suối”, chạy, bò chui qua đường hầm, chạy đến dây đeo vòng nhảy lên cao lấy vòng bằng 2 tay. Sau đó đứng tại chỗ ném vòng vào cổ chai nhựa, rồi chạy về xếp cuối hàng.
- Trẻ trước bò chui qua hầm hoàn toàn thì trẻ sau mới bắt đầu chạy từ điểm xuất phát một cách tự giác.
- Trẻ chơi liên tục trong 15 phút, không hạn chế số lần chơi của trẻ.
4. Trò chơi Nhảy lò cò
Chuẩn bị: Phấn vẽ
Cách chơi:
- Vẽ các ô trên sàn với số lượng tùy thích. Điền số hay chữ cái vào các ô.
- Bé sẽ đứng tại vị trí bắt đầu và nhảy vào ô mà bé chọn. Có thể chọn ô cho bé nhảy bằng cách đọc số hay chữ cái của ô.
- Trò này giúp bé làm quen nhiều hơn với việc đọc chữ cái và con số, giúp chúng học nhanh hơn.
5. Trò chơi Ô tô và chim sẻ
Luật chơi: Khi nghe thấy tiếng còi kêu: “bim bim” trẻ phải nhảy tránh sang hai bên đường.
Cách chơi:
- Chuẩn bị 1 hoặc 2 vòng tròn nhỏ đường kính khoảng 20cm.
- Quy định chỗ chơi ở giữa sân chơi, vẽ hai cạnh đường giới hạn làm đường ô tô và vỉa hè.
- Người quản trò cầm vòng tròn xoay xoay giả làm “ô tô”, trẻ giả làm “chim sẻ”.
- Các con “chim sẻ” phải nhảy kiếm ăn trên mặt đường.
- Khi ô tô kêu “bim bim” và chạy đến. Chim sẻ (trẻ chơi) phải nhanh chân bay (chạy) nhanh lên các vòm cây bên đường (ra ngoài đường ô tô).
- Khi “ô tô” đã chạy qua rồi, “chim sẻ” lại xuống đường vừa nhảy vừa mổ thóc ăn.
- Có thể chọn khoảng hai em nhanh nhẹn làm “ô tô”.
Chú ý: Để trẻ không bị luống cuống khi né tránh, “ô tô” cần phải kêu to và chạy chầm chậm khi đến gần “chim sẻ”. Cần phải nhắc nhở các em không được xô đẩy nhau trong khi chơi. Khi trẻ nhảy khoảng 30 giây thì “ô tô” nên xuất hiện và kêu “bim bim” để trò chơi được vui hơn.
6. Trò chơi đèn xanh, đèn đỏ
Chuẩn bị: Ba thẻ tín hiệu đèn đỏ, đèn xanh, đèn vàng. Sân bãi rộng rãi, bằng phẳng.
Luật chơi: Trẻ phải chạy và dừng lại theo đúng tín hiệu đèn giao thông, ai sai phải ra ngoài một lần chơi.
Cách chơi
- Khi có hiệu lệnh: “Ô tô xuất phát”, trẻ làm động tác lái ô tô, miệng kêu “Bim bim” và chạy chậm.
- Khi có tín hiệu đèn đỏ, trẻ dừng lại.
- Khi có hiệu tín hiệu đèn xanh trẻ tiếp tục chạy.
- Khi có hiệu lệnh: “Máy bay cất cánh”, trẻ dang 2 tay, nghiêng người làm máy bay bay, miệng kêu “Ù ù…” và chạy nhanh.
- Khi có thẻ xanh các bé chạy, thẻ đèn vàng bé đi từ từ chậm lại.
- Khi có hiệu lệnh “Máy bay hạ cánh”, đồng thời đưa tín hiệu đèn đỏ bé phải dừng lại.
- Khi có hiệu lệnh: “Thuyền ra khơi”, trẻ ngồi nhanh xuống, làm động tác chèo thuyền.
- Khi có hiệu lệnh “Thuyền về bến”, đồng thời giơ tín hiệu đèn đỏ, trẻ dừng lại và đứng dậy.
- Nên thay đổi tín hiệu đèn liên tục và chú ý quan sát để trẻ thực hiện cho đúng.
- Cho trẻ tự điều khiển trò chơi sau khi trẻ thành thạo.
7. Trò chơi nhảy qua hộp
Chuẩn bị:
- Một vài những cái hộp để cho bé thực hiện trò chơi.
- Những chiếc cọ và màu để cho bé sơn lên những chiếc hộp này.
- Kẻ cho bé vạch xuất phát và vạch đích
Cách chơi:
- Xếp những chiếc một đã tô thành một hàng.
- Đặt món đồ chơi cho bé ở chiếc hộp cuối cùng
- Sau khi nghe hiệu lệnh, bé sẽ di chuyển và nhảy qua những chiếc hộp này để lấy đồ chơi. Khi lấy xong cho bé quay lại vạch xuất phát.
Trò chơi vận động ngoài trời dành cho bé yêu
1. Ném vòng
Chuẩn bị: Bộ trò chơi ném vòng hoặc chai nhựa và vòng tròn
Không giới hạn số lượng người ném vòng, có thể tổ chức trò chơi từ 2-3 bé
Địa điểm lý tưởng là những nơi rộng rãi, thoáng mát
Cách chơi:
- Đặt chai hoặc lon thành một hàng thẳng cách nhau 50 – 60 cm. Hoặc dùng bộ đồ chơi ném vòng có sẵn
- Vẽ vạch chuẩn cách chai nhựa từ 100 – 150cm (tùy chỉnh theo khả năng và mức độ chơi).
- Các bé xếp hàng đứng dưới vạch kẻ, lần lượt ném mỗi bé một lần ném 3 vòng. Mỗi lần chơi cho 3 bé ném.
- Sau khi có tín hiệu bắt đầu, các bé được phép ném vòng. Nếu ai ném được nhiều vòng lọt vào nhất thì bé đó là người thắng cuộc.
2. Cướp cờ
Chuẩn bị:
- Một cây gậy cột khăn, mảnh vải bất kì để làm cờ
- Một vòng tròn có một cục gạch hoặc cái lỗ ở giữa để giữ cờ thẳng đứng
- Vạch xuất phát cũng là nhà của 2 đội
Cách chơi:
Quản trò chia các bé chơi thành hai đội, hai đội có số lượng bằng nhau từ 5 – 6 bạn, đứng hàng ngang ở vạch xuất phát của đội mình. Đếm theo số thứ tự 1,2,3,4,5… các bé phải nhớ số của mình.
- Khi quản trò gọi số nào thì thành viên đại diện cho số đó của hai đội nhanh chóng chạy đến vòng và cướp cờ.
- Khi quản trò gọi số nào về thì số đó phải về
- Một lúc quản trò có thể gọi hai ba bốn số
- Đội mất điểm khi bé cầm cờ của đội mình bị bé đội bạn chạm vào người trên sân đấu.
- Thắng cuộc khi lấy được cờ chạy về vạch xuất phát của đội mình mà không bị đội bạn chạm vào người.
- Khi có nguy cơ bị chạm vào người thì được phép bỏ cờ xuống đất để tránh bị thua
- Chỉ tính thua khi các số giống nhau chạm vào nhau. Nếu bị số khác vỗ vào không thua
- Không được ôm, giữ nhau, cản trở để cho bạn cướp cờ
- Khoảng cách cờ đến hai đội bằng nhau
3. Dung dăng dung dẻ
Cách chơi:
Từ 5 – 10 em sẽ tạo thành 1 nhóm
Quản trò vẽ sẵn các vòng tròn nhỏ trên đất sao cho số lượng vòng tròn ít hơn số người chơi.
Khi chơi các bé nắm áo tạo thành một hàng đi quanh các vùng tròn và cùng đọc câu
“Dung dăng dung dẻ dắt trẻ đi chơi
Đi đến cổng trời gặp cậu gặp mợ
Cho cháu về quê, cho dê đi học, cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp, ngồi xệp xuống đây”
Khi đọc hết chữ đây các bé chơi nhanh chóng tìm một vòng tròn để ngồi vào. Chắc chắn sẽ có bé không có vòng tròn để ngồi.
Tiếp tục xoá vòng tròn và chơi như trên cho đến khi chỉ tìm thấy bé chiến thắng cuối cùng.
Luật chơi:
- Trong 1 khoản thời gian bạn nào không có vòng thì bị thua
- Hai bạn ngồi cùng 1 vòng bạn nào ngồi xuống dưới là thắng
4. Bịt mắt bắt dê
Chuẩn bị: Một chiếc khăn để bịt mắt
Cách chơi:
- Một bé xung phong để bị bịt mắt lại bằng một chiếc khăn. Các bé còn lại đứng thành vòng tròn xung quanh người bị bịt mắt.
- Khi nào quản trò hô “bắt đầu” hoặc “đứng lại” thì tất cả các bé không bị bịt mắt phải nghe theo. Lúc này bé bị bịt mắt sẽ đi xung quanh để bắt ai đó
- Các bé phải cố tránh để không bị bắt và tạo ra nhiều tiếng động để đánh lạc hướng.
- Khi bé nào đó bị bắt, người bị bịt mắt đoán đúng tên thì bé phải thay bé bị bịt để ra “bắt dê” vào vòng sau, nếu đoán sai lại bị bịt mắt lại và chơi tiếp.
5. Mèo đuổi chuột
Cách chơi:
Trò chơi cần 7-10 người đứng thành vòng tròn, tay nắm tay, giơ cao lên qua đầu. Rồi bắt đầu hát.
“Mèo đuổi chuột
Mời bạn ra đây
Tay nắm chặt tay
Đứng thành vòng rộng
Chuột luồn lỗ hổng
Mèo chạy đằng sau
Thế rồi chú chuột lại đóng vai mèo
Co cẳng chạy theo, bác mèo hóa chuột”
- Một bé được chọn làm mèo và một bé được chọn làm chuột.
- Mèo và chuột đứng vào giữa vòng tròn, quay lưng vào nhau. Khi mọi người hát đến câu cuối thì chuột bắt đầu chạy, mèo phải rượt theo đằng sau.
- Mèo phải chạy đúng chỗ chuột đã chạy.
- Mèo thắng khi mèo bắt được chuột. Chuột thắng khi mèo bỏ cuộc hoặc chạy sai vị trí mà chuột đã chạy
- Rồi hai người đổi vai trò mèo chuột cho nhau. Trò chơi lại được tiếp tục.
6. Nhảy bao bố
Cách chơi:
Chia người chơi làm hai đội trở lên, mỗi đội phải có số người bằng nhau, xếp thành hàng dọc. Mỗi đội có một hàng dọc để nhảy và có một vạch xuất phát và một vạch đích.
Người đứng đầu bước vào trong bao bố hai tay giữ lấy miệng bao. Sau khi nghe lệnh xuất phát thì mới nhảy đến đích rồi lại quay trở lại vạch xuất phát để đưa bao cho người thứ 2 nhảy. Cứ như vậy lần lượt đến người cuối cùng. Đội nào về trước đội đó thắng.
Luật chơi:
- Ai nào nhảy trước hiệu lệnh xuất phát là phạm luật
- Nhảy chưa đến mức quy định mà quay lại cũng phạm luật.
- Nhảy chưa đến đích mà bỏ bao ra cũng phạm luật và có thể bị loại khỏi cuộc chơi nếu bị nhắc nhiều lần.
7. Kéo co
Chuẩn bị: Phấn vẽ, Dây thừng hoặc dây chuyên dùng cho kéo co, Găng tay cho bé, Một cái khăn hoặc miếng vải để cột làm mức.
Cách chơi:
- Chia người chơi làm hai đội, mỗi đội phải cân sức (vừa có bé nam, vừa có bé nữ, vừa có bé khỏe, vừa có bé yếu).
- Kẻ 1 vạch mức giữa hai đội
- Hai đội đứng hai bên mang bao tay bảo hộ an toàn. Sợi dây được cột chiếc khăn ở giữa làm cột mốc và được đặt tại vạch mức
- Trọng tài đứng ở giữa vạch xuất phát, cầm cờ và hô to “1…2…3” bắt đầu thì hai đội chơi bắt đầu kéo.
- Hai đội dùng hết sức kéo dây về phía đội mình. Đội nào kéo được điểm mốc đánh dấu trên dây về phía mình thì đó là đội chiến thắng.
- Trò chơi kéo co thường diễn ra từ 5 – 10 phút và hai đội phải thi đấu 3 lượt để phân thắng bại.
- Đội nào có hai lượt thắng sẽ là đội dành chiến thắng.
Xem thêm
Bí quyết cách giữ ấm cho trẻ nhỏ trong mùa đông lạnh giá
Tìm hiểu về các tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non
Bằng cách tích hợp những trò chơi vận động dành cho bé vào cuộc sống hàng ngày, bạn không chỉ giúp bé phát triển cơ bắp và khả năng vận động mà còn tạo ra những kí ức vui vẻ và ý nghĩa cho gia đình. Hãy cùng bé trải nghiệm thế giới qua những hoạt động vận động thú vị này!
Bình luận
0 bình luận